Nếu biết cách tiết kiệm tiền kết hợp nâng cao thu nhập, vay thêm tiền thì việc sở hữu ôtô không phải là nhiệm vụ bất khả thi.
Mua ôtô ngày càng trở thành nhu cầu phổ biến với những gia đình trẻ ở các thành phố lớn. Lợi ích của xe hơi thấy rõ so với xe máy là sự an toàn, bảo đảm sức khỏe khi tránh được thời tiết khắc ngiệt, tránh những rủi ro không đáng có khi tham gia giao thông.
Ví như ở Hà Nội, thu nhập bình quân đầu người hiện nay khoảng 50 triệu/năm. Nếu giả sử một năm có thể tiết kiệm được 20 triệu, thì để mua một chiếc xe loại nhỏ cỡ 500 triệu, người dân phải đợi trong 25 năm. Tất nhiên đây chỉ là cách tính kiểu cào bằng, thực tế thu nhập và cách chi tiêu của mỗi người là khác nhau. Vậy để có thể mua xe, yếu tố nào quan trọng nhất cần lưu ý?
|
Tiết kiệm và tìm cách nâng cao mức thu nhập thường xuyên là chìa khóa sở hữu xe hơi.
|
Anh Quý Thăng, người có kinh nghiệm 10 năm trong mảng tín dụng cá nhân ở một ngân hàng lớn cho biết, mức thu nhập thường xuyên và cách tiết kiệm tiền là yếu tố quan trọng nhất mà người muốn mua xe cần lưu ý, bởi mức thu nhập thường xuyên sẽ ảnh hưởng tới việc "nuôi xe" sau này.
Trả lời cho câu hỏi có khoảng bao nhiêu tiền thì nên nghĩ tới việc mua xe, anh Thăng cho biết hầu hết mọi người nên có khoản tiết kiệm tương đương 30% giá trị xe trước khi tính đến chuyện mua, tất nhiên là đối với loại xe nhỏ. Ví dụ muốn mua xe 500 triệu, nên có khoảng 150 triệu trong sổ.
"Cứ chờ để có đủ tiền mua xe thì rất khó, mọi người nên nghĩ đến việc vay tiền nếu có khả năng chi trả", anh Thăng khuyên.
Theo mặt bằng chung cách cho vay của các ngân hàng hiện nay, thì cho vay mua xe khoảng 5 năm, với lãi suất trung bình 12%/năm. Giả sử với khoản vay 600 triệu trong 5 năm, tương đương 60 tháng thì khoản tiền mỗi tháng cần trả là 10 triệu gốc cộng với 1% tiền lãi tính trên số dư còn lại. Tức là tháng thứ nhất nhiều nhất 16 triệu, các tháng sau sẽ giảm dần vì mức lãi trên số dư giảm dần.
Từ công thức trên có thể thấy, muốn vay tiền mua xe, khách hàng cần xác định mỗi tháng có thể để dư ra một khoản từ thu nhập thường xuyên đủ trả nợ ngân hàng. Lưu ý không tính thu nhập bất thường dù con số có lớn hơn nhiều lần thu nhập thường xuyên.
"Trước khi nghĩ đến vay bao nhiêu tiền, hãy nhìn vào thu nhập xem có đủ trả nợ ngân hàng dựa trên số vay đó hay không".
Nếu khoản vay là 100 triệu trong vòng 24 tháng, thì gốc phải trả là 4 triệu mỗi tháng. Nếu lãi suất là 12% theo năm thì tiền lãi mỗi tháng là 1 triệu. Như vậy tháng đầu tiên phải trả 5 triệu và giảm dần cho các tháng tiếp theo.
Ngoài ra cần cộng thêm các khoản như chỗ đỗ, xăng xe, phí bảo dưỡng...Với mức trung bình hiện nay vào khoảng 4 triệu đồng. Như vậy tổng chi phí cho một khoản vay 100 triệu và nuôi xe là 10 triệu mỗi tháng. Để đảm bảo tài chính, khoản thu nhập thường xuyên ít nhất là gấp 5 lần, tương đương 50 triệu/tháng.
Nhưng nếu không phải vay, thì thu nhập thường xuyên chỉ cần khoảng 20 triệu. Nếu có garage để xe, thì thu nhập lúc đó chỉ cần khoảng 12-15 triệu là đi xe hơi thoải mái. Giảm một khoản chi tiêu cố định, sức ép tài chính sẽ nhẹ đi một cách đáng kể.
Còn bài toán mua nhà hay mua xe là tùy mục đích sử dụng của mỗi người. Nhà là bất động sản, giá trị bền vững theo thời gian, thậm chí còn tăng giá, ngược lại xe mất dần giá trị khấu hao. Nhưng xe lại phục vụ cho nhu cầu di chuyển của cá nhân và gia đình, quan trọng nhất là yếu tố an toàn và đảm bảo sức khỏe, rất cần thiết với thời tiết biến đổi như ở Việt Nam.
Bởi mức giá xe ở Việt Nam hiện nay còn quá cao so với thu nhập bình quân của người dân, thậm chí ở các thành phố lớn. Vì thế, để nghĩ đến việc mua ôtô nên nghĩ đến việc tiết kiệm tiền bằng cách chia nhỏ thu nhập. Buộc bản thân thực hiện theo kế hoạch đề ra, nếu chẳng may tiêu quá lấn vào phần tiết kiệm thì "có vay, có trả", tìm cách bù vào tháng sau.
Ngoài ra, thu nhập bất thường là một khoản đáng kể cho vào quỹ tiết kiệm mua xe. Cuối cùng là phát triển kỹ năng, kinh nghiệm trong công việc để tăng dần mức thu nhập theo thời gian. Bởi nếu chưa có nhiều tiền tích lũy, nhưng thu nhập thường xuyên cao thì vẫn có thể nghĩ tới việc mua xe thông qua vay các tổ chức tín dụng.
Đức Huy