Toyota giữ miếng bánh lớn nhất với 37% thị phần, trong khi Thaco bám sát phía sau với 32% nhờ 3 thương hiệu Mazda, Kia và Peugeot.
Theo báo cáo của VAMA, tổng doanh số toàn thị trường ôtô Việt Nam đạt 244.914 xe, tăng 55% so với cùng kỳ 2014. Trong đó xe con 143.392 chiếc, xe thương mại 89.327 và xe chuyên dụng 12.195, đánh dấu một cột mốc mới, thị trường ôtô Việt vượt quá 200.000 xe/năm. Cả ba loại xe đều có tốc độ tăng trưởng cao so với năm ngoái, lần lượt xe con 44%, xe thương mại 74% và xe chuyên dụng 105%.
Thị phần chỉ tính các hãng thuộc VAMA, không bao gồm Hyundai, Nissan, BMW, Porsche, Audi...
Tốc độ tăng trưởng cao khiến nhiều hãng được mùa bán hàng kỷ lục, doanh số tăng vượt dự kiến, đạt những cột mốc chưa vươn tới trong lịch sử. Ở buổi đầu của thị trường đang lên, các hãng đều cố gắng đạt mức doanh số cao, đồng thời chiếm càng nhiều thị phần càng tốt bằng cách đa dạng hóa sản phẩm.
Nếu chỉ xét riêng thị trường xe con, Toyota vẫn là quán quân tại Việt Nam. Năm 2015, hãng bán 49.778 xe con, chiếm 37% thị phần (chỉ tính các hãng thuộc VAMA). Bám sát Toyota là Thaco vẫn kiên nhẫn bám phía sau với 42.231 xe (32%), mặc dù nếu xét toàn ngành Thaco đứng đầu với 80.421 xe.
Đứng thứ ba là Ford ngốn 11% "miếng bánh", sau đó lần lượt Honda (6%), GM (5%), Mitsubishi (3%) và Mercedes (3%). Các hãng còn lại chiếm một phần nhỏ thị trường như Suzuki, Lexus và Isuzu vốn chỉ có 1%.
Song song với nỗ lực bán hàng, cuộc chiến thị trường lại đòi hòi mỗi hãng cần cân nhắc kỹ lưỡng hơn về những dòng xe bán ra.
"Hãng nào đón xu hướng khách hàng tốt, hãng đó sẽ 'gặm' được miếng bánh lớn hơn", một chuyên gia trong ngành chia sẻ.
Trong 2015, số liệu bán hàng cho thấy những xu hướng dần hình thành. Phân khúc xe cỡ nhỏ A, B tiếp tục đà tăng trưởng, trong khi sedan rộng hơn như cỡ C, D giảm dần. Ví như Toyota, Altis và Camry tăng trưởng chậm thậm chí đi lùi, trong khi Vios vẫn đà tăng lớn.
Bán tải là phân khúc tăng trưởng nhanh trong 2015.
Phần thụt của sedan cỡ C và D được thay thế bởi nhu cầu crossover và bán tải. Năm 2015, Ford EcoSport không còn "một mình một ngựa" ở phân khúc crossover cỡ B khi có thêm đối thủ Hyundai i20 Active. Bên cạnh đó, Hyundai Creta và Renault Duster cũng tạo ra phân khúc lửng mới, nằm giữ i20 Active và Tucson. Phía trên, Honda CR-V và Mazda CX-5 vẫn cạnh tranh gay gắt nhất, trong khi các đối thủ như Tucson, Kia Sportage tỏ ra yếu thế hơn.
Thị trường bán tải ghi nhận mức tăng cao tới 73,7%. Ford Ranger vẫn là mẫu xe đứng đầu phân khúc với 8.685 xe, bỏ xa đối thủ về nhì Mazda BT-50 với 4.328 chiếc. 7 mẫu xe đều chung lợi thế nhập Thái nhưng thiết kế và trang bị là hai yếu tố mà Ranger làm hợp lòng khách hàng Việt nhất. Nhờ Ranger mà Ford đứng vị trí thứ 3 trong tổng thị phần.
Nếu xét về hiệu suất bán hàng, số xe bán ra trên mỗi dòng, Toyota cũng đứng đầu khi hãng này có 10 mẫu, tức trung bình 4.978 xe tới tay khách hàng. Ford đứng thứ hai với trung bình 3.028 xe, Thaco chỉ đạt 2.010 xe. Sở dĩ hiệu suất bán hàng của Thaco xuống thấp hơn Ford vì hãng này có thương hiệu Peugeot với 7 mẫu xe, nhưng doanh số chỉ vỏn vẹn 544 chiếc trong 2015. Tuy nhiên, nếu xét riêng, hai thương hiệu Mazda và Kia lại có tốc độ bán hàng cao.
STT |
Thương hiệu |
Doanh số 2015 |
Số mẫu xe |
Doanh số trung bình mỗi mẫu xe
|
1 |
Toyota |
49.778 |
10 |
4.978 |
2 |
Mazda |
20.359 |
6 |
3.393 |
3 |
Ford |
15.140 |
5 |
3.028 |
4 |
Kia |
21.310 |
8 |
2.664 |
5 |
Honda |
8.312 |
4 |
2.078 |
6 |
GM (Chevrolet) |
7.345 |
6 |
1.224 |
7 |
Isuzu |
735 |
1 |
735 |
8 |
Mitsubishi |
4.145 |
6 |
691 |
9 |
Suzuki |
1.387 |
4 |
347 |
10 |
Mercedes |
3.597 |
14 |
257 |
11 |
Lexus |
961 |
7 |
137 |
12 |
Peugeot |
544 |
7 |
78 |
(Chỉ tính số liệu xe con)
Sang 2016, các chuyên gia dự đoán thị trường sẽ còn biến động nhiều bởi những ảnh hưởng của chính sách thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt cũng như những nhân tố thuế, phí khác. Thị trường Việt cũng sẽ chào đón nhiều mẫu xe mới, đặc biệt phân khúc SUV và xe cỡ lớn như Honda Odyssey hay Innova, Fortuner hoặc những cái tên kỳ vọng Honda HR-V, Mazda CX-3.
Đức Huy
Theo: www.vnexpress.net